Bối cảnh Thực_dân_Courland

Vào thế kỷ 17, các nước Anh, Pháp và Hà Lan đã tham gia vào việc thiết lập thuộc địa hải ngoại, nối tiếp theo sau các nước trước đó là Venice, Genoa, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Thương mại từ thuộc địa ở hải ngoại được coi là cách nhanh nhất để đạt được sự giàu có.

Vào năm 1637, tàu Friedrich với 212 người Courland đã đến định cư trên đảo Tobago, họ bị quân Tây Ban Nha xóa sổ. Một cuộc đổ bộ khác tiến hành vào năm 1639 nhưng cũng với số phận tương tự. Năm 1642, 2 tàu khác mang 300 người Courland đến đây. Vào thời điểm này, liên minh Anh-Hà Lan thành lập để chống Tây Ban Nha, người Hà Lan chiếm đảo Tobago và chấp nhận hỗ trợ người Courland để họ có thể trụ lại được trong vòng vây phong tỏa của Tây Ban Nha.[1]

Jacob là một chính trị gia tài năng, một người có đầu óc trọng thương, thiết lập quan hệ ngoại giao không chỉ với các nước láng giềng, mà còn với Anh, Pháp, Hà Lan và Bồ Đào Nha. Sau khi trở thành Công tước năm 1642, Jacob đầu tư phát triển ngành thủ công nghiệp và thương mại ở hải ngoại cho chính mình. Kể từ năm 1638 cho đến 1682, nhà máy đóng tàu Ventspils đã đóng 44 tàu chiến và 79 tàu buôn. Courland xây dựng 15 nhà máy luyện sắt ("dzelzsāmuri") chế biến quặng. Courland đầu tư 10 xưởng đúc súng, 5 xưởng thuốc súng, 10 xưởng làm đồ thủy tinh ("Glazskunis") 10 xưởng dệt, 6 nhà chưng cất rượu...[2] Thương thuyền Courland duy trì thương mại hàng hải không chỉ với các cảng châu Âu mà còn với châu Phi, châu MỹẤn Độ mà từ đó hàng hóa thuộc địa được đưa đến châu Âu. Cho đến năm 1651, công tước Jacob quyết định tạo lập thuộc địa ở hải ngoại. Kế hoạch đầy tham vọng của Jacob được ghi lại trong một lá thư gửi đến Đức Giáo hoàng Innocent X vào ngày 24 tháng 8 năm 1651, trong đó ông yêu cầu hỗ trợ 3-4 triệu thalers kinh phí cho cuộc thám hiểm tới bán cầu phía Nam, với sự tham gia của 40 tàu với 24.000 người.